Bài chia sẻ đang gây nhiều tranh cãi của cộng đồng mạng - Ảnh chụp màn hình

Bài chia sẻ đang gây nhiều tranh cãi của cộng đồng mạng - Ảnh chụp màn hình

Trước ngưỡng cửa đại học của những bạn trẻ 2006, câu chuyện chi phí sinh hoạt của sinh viên tiếp tục được đưa ra bàn luận, lôi kéo sự chú ý và tranh luận của nhiều người.

Sinh viên chi tiêu ở mức nào là đủ?

Cụ thể, chàng trai chi 1,5 - 2 triệu đồng cho tiền phòng, 2 - 3 triệu đồng cho tiền ăn uống, 4 - 5 triệu đồng cho học phí tại trường và tiền học chứng chỉ. Anh chàng còn dành 2 triệu đồng cho tiền đi chơi, quần áo và những chi phí phát sinh khác.

Thêm các khoản phí lặt vặt như tiền điện, nước, xăng, Internet, người viết trên cho rằng mỗi tháng sinh viên cần 8,5 - 13,5 triệu đồng/tháng (hoặc hơn) mới đủ để chi trả.

Trước vấn đề này, Huyền Trang (21 tuổi, sinh viên năm 3 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: "Mình chỉ tiêu bằng 1/5 chủ bài viết. Mình ở ký túc xá tư nhân gần trường. Cơm hằng ngày tự nấu, chỉ ăn đơn giản nên chẳng tốn bao nhiêu".

Cũng là sinh viên học tại Hà Nội, Hương Giang (20 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) thể hiện thái độ gay gắt hơn khi cho rằng chủ bài đăng đang làm quá. Cô cho biết còn phải tùy thuộc vào nơi học của từng người, nếu không có căn cứ thì đừng đánh đồng sinh viên đều tiêu tiền như thế.

Giang cho biết mỗi tháng cô ở trọ ghép chỉ khoảng 1,2 triệu đồng, bao gồm tiền điện, nước. Mỗi tuần mẹ cô cho 500.000 tiền chi tiêu. Với số tiền này, Giang đủ để sống ở đất Hà Nội, thậm chí có tháng chắt chiu còn đủ dư để mua 1-2 món đồ yêu thích.

Nhưng cũng có những bình luận bày tỏ sự khách quan. "Bố mẹ cho mỗi tháng 10 triệu thì sống kiểu 10 triệu, mà 2 triệu sống kiểu 2 triệu. Chi phí sinh hoạt làm gì có mức chung", tài khoản tên Nguyen Nhat Anh viết.

Chủ đề chi phí sinh hoạt cho sinh viên chưa bao giờ hết sốt - Ảnh minh họa: K.S.

Chủ đề chi phí sinh hoạt cho sinh viên chưa bao giờ hết sốt - Ảnh minh họa: K.S.

Cộng đồng mạng hiến kế để cắt giảm chi tiêu

"Nếu hiểu được nỗi vất vả của ba mẹ thì tiền đi chơi, quần áo có thể giảm xuống, tốt nhất là lược bỏ. Tiền chứng chỉ để dành sang năm 2 đi làm thêm kiếm tiền tự học. Tiền Internet nên đăng ký gói 4G theo năm để tiết kiệm", bình luận của tài khoản tên Nguyen Van An nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Những bình luận rằng bảng chi tiêu này chỉ dành cho con nhà có điều kiện, không dành cho mặt bằng chung sinh viên Việt Nam cũng nhận được rất nhiều lượt thích.

Theo anh Vũ Ngọc Trường, sinh viên nên sống vừa với kinh tế của ba mẹ. Ai muốn chi tiêu thoải mái hơn, sống tốt hơn thì cố gắng học và đi làm thêm để phụ ba mẹ, tự chu cấp cho bản thân. Có ý kiến cho rằng không nên từ những bài đăng thế này mà ảnh hưởng tâm lý, vội quay ngược về chê trách ba mẹ mình.