Câu chuyện được bạn đọc Tuổi Trẻ Online sôi nổi bàn luận hai ngày qua liên quan đến chủ đề "Lì xì gì có 50.000 đồng". Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ThS văn hóa học - TS dân tộc học Dương Hoàng Lộc, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo - đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, nhấn mạnh: "Đừng đặt nặng nhiều ít, hãy đón nhận bằng niềm vui!".
TS Lộc nói thêm về ý nghĩa nguyên bản của lì xì và sự phong phú của các hình thức lì xì trong đời sống:
- Lì xì, nghĩa ban đầu là "lợi thị" - một hành động dịp năm mới, để cầu chúc cho người khác có thêm lợi lộc bằng cách trao cho người ta chút lộc đầu năm. Ngày xưa, lì xì là hình thức mang tính tượng trưng, bao đỏ mang lời chúc may mắn, tiền mừng là lộc cho người nhận.
Con cái có chút lộc biếu ông bà, cha mẹ để người lớn tuổi có niềm vui ngày Tết, rồi thuốc men, trà bánh. Người lớn lì xì cho trẻ em để có quà bánh… Đó là nét văn hóa truyền thống.
Đi vào đời sống hiện đại, biểu hiện của lì xì khá đa dạng. Nếu con cái có điều kiện, khá giả có thể lì xì cho cha mẹ 5-10 triệu đồng. Ở thôn quê có khi người lớn lì xì cho trẻ 10.000-20.000 đồng. Ở đây không đặt chuyện ít nhiều, tùy điều kiện gia đình, hoàn cảnh, chủ yếu là niềm vui.
Rồi có thể lì xì qua lại, 10.000, 20.000 hay 50.000 đồng - lấy lộc đầu năm, lời cầu chúc cho người nhận hanh thông, may mắn. Còn đặt lì xì nhiều ít là không đúng.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa không được lì xì nhiều. Tùy điều kiện kinh tế của từng người mà lì xì số tiền tùy ý, chúng ta không nên bình phẩm.
* Có ý kiến cho rằng lì xì nhiều là thích thể hiện, trong khi lì xì ít thì chê ít. Ông nghĩ sao?
- Theo tôi, ít nhiều tùy điều kiện, tùy mối quan hệ. Ví dụ mối quan hệ công việc quan trọng hay người thân thì lì xì nhiều. Người kinh tế khá giả với khó khăn thì không thể cào bằng.
Người có điều kiện lì xì nhiều, người không có điều kiện lì xì ít. Tất cả đều đón nhận trong niềm vui.
Nếu đặt nặng cho nhiều cho ít thì không nên!
* Vậy theo ông, vẫn cần duy trì truyền thống lì xì đầu năm mới?
- Đúng rồi. Công việc làm ăn thì cần may mắn, lì xì là lời chúc, ước vọng trao nhau. Hình thức trao lì xì chúc Tết cho trẻ cũng là trao may mắn, niềm vui. Do vậy phải vui, đón nhận bằng niềm vui.
Lì xì vẫn quan trọng, còn giá trị, gắn với nhu cầu thiết thực, tâm lý vui vẻ đầu năm.
* Làm sao để lớp trẻ không mở bao lì xì ra chê ít chê nhiều?
- Điều này thuộc về nhận thức. Cha mẹ, gia đình giáo dục truyền thống văn hóa, phong tục Tết, trong đó có lì xì. Lì xì là nét văn hóa của ông bà, vui là chính, không đặt nặng nhiều ít. Nhiều dĩ nhiên vui, ít cũng vui.
* Như ông biết, câu chuyện chê tiền lì xì ít có thực. Làm sao giáo dục để có sự thay đổi nếp nghĩ này nhanh chóng?
- Giáo dục từ gia đình là chính, quan trọng, thuộc về văn hóa gia đình, dòng họ. Cha mẹ cần dạy dỗ con cái, vui để đón nhận. Nhắc nhở con những giá trị truyền thống, ứng xử với món tiền này bằng niềm vui là chính.
Sốc vì đối phương từ chối nhận lì xì
Trái với những người nặng đầu vì lì xì ít hay nhiều, một số trường hợp lại đứng hình vì trao phong bao mà đối phương từ chối nhận. Theo đó, một số người cho rằng bản thân đã đi làm, không nhận lì xì nữa.
Tối mùng 1, một người bạn tôi sinh sống tại TP.HCM gặp tình huống không mấy vui vẻ khi người trong nhóm bị đối phương từ chối tiền lì xì. Bạn kể: "Nhóm tôi hẹn nhau tại nhà một người để chúc Tết, nói chuyện năm vừa qua. Một người bạn tôi thấy em gái của bạn chủ nhà thì lấy phong bao đỏ ra. Người bạn kia nói "Lì xì cho em năm mới lấy hên nha".
Tưởng rằng em sẽ vui vẻ nhận lấy nhưng không, em lắc đầu nguầy nguậy. Em nói "Em đã đi làm rồi đâu cần tiền lì xì làm chi". Người trao mới nói "Đây là tiền lì xì chia sẻ may mắn đầu năm mới thôi à" nhưng cô bé vẫn nhất định không nhận.
"Cả nhóm bạn tôi ai cũng sượng trân, vì lần đầu bị từ chối như vậy. Buổi họp mặt đầu năm tự dưng trầm xuống, ai cũng ngượng ngùng", anh nói.
Nói về chuyện từ chối nhận lì xì, một chị bạn tôi nói từ ngày đi làm, chị không còn nhận tiền lì xì từ người ngoài. Chị chia sẻ: "Người lạ lì xì là mình không nhận. Mình nghĩ đây là chuyện bình thường. Vì họ không quen biết mình trước đó. Mình nghĩ phong tục này chỉ nên dành cho người nhà, người thân thiết. Vì vậy, ai lạ mà lì xì thì tôi nói là mình lớn rồi, đi làm rồi nên giờ không nhận lì xì nữa".
Đúng là xung quanh vệc lì xì Tết có nhiều điều để nói. Nào là lì xì ít hay nhiều, độ tuổi nào còn được lì xì, cả chuyện từ chối nhận. Theo tôi, lì xì là lời cầu mong tốt lành của người này trao người kia. Đồng ý nhận là cách không làm đối phương bối rối, mất hứng.
Do đó, dù trải qua ba mươi mấy nồi bánh chưng nhưng tôi vẫn háo hức khi được nhận lì xì, dù quen hay lạ. Đó là tấm lòng của người trao, là may mắn đầu năm. Miễn mình đừng đặt nặng trị giá bao lì xì là được rồi. Tôi cũng không quên chúc Tết một cách giản dị để đem đến cho người lì xì niềm vui năm mới.
Có người cho rằng lớn rồi mà nhận tiền lì xì của người ngoài là… mang nợ, vì quan niệm của cho là của nợ. Khi lỡ nhận lì xì của ai, họ sẽ tìm cách lì xì lại cho người đó hoặc con cháu đối phương như vậy để huề.
Dường như mọi người đang suy nghĩ quá nhiều thì phải! Lì xì vui, chúc lành, trao đi chút lộc đầu xuân và mang lại may mắn cho cả đôi bên thì cớ sao phải quan trọng chuyện nhận hay không...